Các chuyên gia đề nghị thanh, kiểm tra để làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, gây thất thoát tài sản công trong vụ việc Hải Phòng “bán” đất công giá bèo cho CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy.
Phối cảnh tòa nhà hỗn hợp cao 37 tầng thuộc dự án Hoàng Huy – Sở Dầu tại khu đất rộng 1,1 ha – Khu đất được Hải Phòng trả hợp đồng BT cho Hoàng Huy
Bán đất công giá bèo, hỏi dân ai cũng rõ!
Về diễn biến vụ việc, như Thanh Niên đã phản ánh, trước đó, để triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ định thầu cho CTCP Đầu tư dịch tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) đứng ra triển khai đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Trong đó, đáng chú ý có dự án cải tạo chung cư cũ HH3, HH4 (P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền). Tại dự án này, Công ty Hoàng Huy đã được UBND TP.Hải Phòng ưu tiên giao cho 99 ha đất sạch, vị trí đắc địa. Sau đó, phía Công ty Hoàng Huy đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, khu đô thị, nhà liền kề, biệt thự. Đáng nói, mức giá mà UBND TP.Hải Phòng phê duyệt khi giao đất chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/m2, còn giá mà nhà đầu tư sau đó bán các sản phẩm trên lô đất này lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng 1 m2.
Sự việc đã và đang gây bức xúc dư luận tại địa phương, trong khi lãnh đạo UBND thành phố này và các sở, ban, ngành vẫn chọn cách im lặng.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS – TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng có rất nhiều điều khuất tất, mờ ám trong vụ việc này.
“Hỏi người dân ai cũng rõ, mức giá mà Hải Phòng bán cho nhà đầu tư là quá rẻ. Trong khi nhà đầu tư lại bán ra với giá cao gấp hàng chục lần. Vậy Hải Phòng căn cứ vào đâu, định giá như thế nào để ra mức 3,8 triệu đồng/m2? Ở đây phải công khai, minh bạch, phải trả lời cho người dân, vì đất là đất công, tài sản nhà nước. Giá đó tôi có thể khẳng định không đúng với nguyên tắc của thị trường”, ông Long nói.
Từng nhiều năm làm về lĩnh vực giá, theo PGS – TS Long, các dự án của Hải Phòng được triển khai trước khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Nghị định này đã “siết” lại rất nhiều lỗ hổng trong triển khai dự án BT khắp các tỉnh, thành thời gian qua.
Đơn cử như tại Hà Nội, trước thời điểm năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra với 15 dự án BT, nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là hình thức chỉ định thầu. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định…
“Vậy đã thanh tra Hải Phòng chưa, kết luận như thế nào? Tại sao gần như tất cả các dự án cải tạo chỉ rơi vào tay 1 doanh nghiệp, và doanh nghiệp này được ưu ái nhiều vị trí đắc địa?”, ông Long đặt vấn đề.
Chung cư HH4 Đồng Quốc Bình được khánh thành ngày 15.5
|
Cần thanh, kiểm tra làm rõ
Tiếp tục dẫn lại những vụ án lớn liên quan tới xà xẻo đất công thời gian qua như tại Thủ Thiêm, TP.HCM hay Vũ “nhôm” Đà Nẵng, theo PGS – TS Ngô Trí Long, với những vấn đề như báo chí đã nêu, thì các cơ quan chức năng cần phải cuộc để làm rõ có lợi ích nhóm trong đó không. Vì theo quy định, kể cả khi được phép chỉ định thầu, chủ đầu tư và doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật về quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, tức giá giao đất không thể quá thấp so với mức giá đang được bán trên thị trường. Doanh nghiệp khi lên phương án cải tạo, xây dựng chung cư thì tính mức giá thị trường, kể cả lãi suất, trong khi nhà nước lại giao đất với giá rẻ, theo ông Long, là quá phi lý.
“Người bình thường nhất cũng thấy được sự thất thoát, nó không phải sự vô tư mà có động cơ, một mục đích mang tài sản nhà nước đi trao đổi. Tôi cho rằng, hoàn toàn có sự mờ ám, khuất tất, có sự trục lợi. Không loại trừ đằng sau có một nhóm lợi ích thao túng gây thất thoát tài sản nhà nước, thậm chí biểu hiện của sự tham nhũng”, ông Long nói.
Cũng liên quan đến các dự án BT, Kiểm toán nhà nước đã từng báo động về tình trạng lách luật, trục lợi ngân sách. Tại hội thảo về vấn đề này, các chuyên gia kiểm toán đã chỉ ra nguyên nhân do các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu, chủ đầu tư gần như chỉ “một mình một chợ” đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Quyền sử dụng đất lại không được xác định chính xác và đầy đủ.
Theo PGS – TS Nguyễn Đình Hòa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, bản chất dự án BT là hoạt động mua – bán, nhưng không theo cơ chế thị trường. Giá cả dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường.
“Con số cuối cùng luôn luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng”, ông Hòa bày tỏ.
PGS – TS Nguyễn Đình Hòa cũng cho biết, thông thường một dự án đầu tư, dù dưới hình thức nào, cũng phải qua các quy trình, thủ tục và thẩm quyền phê chuẩn. Do thiếu công khai minh bạch, sự lách luật ở dự án BT xảy ra trên cả hai phương diện này và là nơi dễ dẫn đến lợi ích nhóm.
Theo: Thanh Niên